Địa đạo Củ Chi

Ðịa đạo Củ Chi là một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, thuộc xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, cách trung tâm thành phố 70km về phía Tây Bắc. Ðịa đạo Củ Chi là kỳ quan độc nhất vô nhị với hơn 200km đường hầm chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, được làm nên từ dụng cụ thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ki xúc đất.

Địa đạo Củ Chi là một trong 5 đường hầm lạ nhất thế giới cùng với đường hầm xuyên biển Manche, nối Anh với Pháp và đường hầm qua vịnh Tokyo, Nhật.

Lịch sử
Địa đạo Củ Chi là cách gọi chung của các hệ thống địa đạo khác nhau, được hình thành từ khoảng thời gian 1946-1948, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Thời gian này, quân dân hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An đã đào những đoạn hầm ngắn, cấu trúc đơn giản dùng để ẩn nấp, cất giấu tài liệu, vũ khí. Cũng có ý kiến cho rằng việc đào địa đạo khởi đầu do dân cư khu vực này tự phát thực hiện vào năm 1948.

Cư dân khu vực đã đào các hầm, địa đạo riêng lẻ để tránh các cuộc bố ráp càn quét của quân đội Pháp và để cung cấp nơi trú ẩn cho quân Việt Minh. Mỗi làng xây một địa đạo riêng, sau đó do nhu cầu đi lại giữa địa đạo các làng xã, hệ thống địa đạo đã được nối liền nhau tạo thanh một hệ thống địa đạo liên hoàn, phức tạp, về sau phát triển rộng ra nhiều nơi, nhất là 6 xã phía Bắc Củ Chi và cấu trúc các đoạn hầm, địa đạo được cải tiến trở thành nơi che giấu lực lượng, khi chiến đấu có thể liên lạc, hỗ trợ nhau.

Trong thời gian 1961–1965, các xã phía Bắc Củ Chi đã hoàn thành tuyến địa đạo trục gọi là “xương sống”, sau đó các đoàn thể, cơ quan, đơn vị phát triển địa đạo nhánh ăn thông với tuyến trục hình thành những địa đạo liên hoàn giữa các ấp, các xã và các vùng.

Bên trên mặt đất, quân dân Củ Chi còn đào cả một vành đai giao thông hào chằng chịt nối kết với địa đạo, lúc này địa đạo chiến đấu cũng được đào chia thành nhiều tầng, nhiều ngõ ngách. Ngoài ra, bên trên địa đạo còn có rất nhiều ụ chiến đấu, bãi mìn, hố đinh, hầm chông… được bố trí thành các cụm liên hoàn tạo ra trận địa vững chắc trong thế trận chiến tranh du kích, gọi là xã chiến đấu.

Đến năm 1965, có khoảng 200 km địa đạo đã được đào.

Đặc điểm

Về quy mô, hệ thống địa đạo có tổng chiều dài toàn tuyến là trên 200 km, với 3 tầng sâu khác nhau, tầng trên cách mặt đất khoảng 3 m, tầng giữa cách mặt đất khoảng 6 m, tầng dưới cùng sâu hơn 12 m. Lúc này, địa đạo không chỉ còn là nơi trú ẩn mà đã trở thành nơi sinh sống, cứu thương, hội họp, kho chứa vũ khí…

Địa đạo được đào trên một khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở. Hệ thống địa đạo nằm sâu dưới lòng đất, có thể chịu được sức công phá của các loại bom tấn lớn nhất của quân đội Mỹ. Không khí được lấy vào địa đạo thông qua các lỗ thông hơi. Các khu vực khác nhau của địa đạo có thể được cô lập khi cần (bị hơi ngạt, bơm nước).

Cuộc sống dưới địa đạo

Cuộc sống dưới địa đạo thiếu ánh sáng, ẩm ướt và nóng bứ, điều kiện vệ sinh kém nên hầu như những người sống ở địa đạo đều bị ký sinh trùng, bạc da và các bệnh về xương. Ngoài ra, việc thiếu thốn lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cũng là vấn đề lớn nhất của cư dân địa đạo.

Sự tấn công của quân đội Mỹ và đồng minh

Quân đội Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã liên tục tấn công vào hệ thống địa đạo bằng đủ phương tiện: bom, bơm nước vào địa đạo, hơi ngạt… nhưng do hệ thống địa đạo được thiết kế có thể cô lập từng phần nên bị hư hại không nhiều.

Quân đội Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp để phát hiện các cửa vào (được ngụy trang) và phát hiện các cửa thông gió (thường được đặt giữa các bụi cây). Biện pháp hữu hiệu nhất là sử dụng chó nghiệp vụ. Ban đầu có một số cửa vào và lỗ thông gió bị chó nghiệp vụ phát hiện do chó ngửi được hơi người.

Tuy nhiên, sau đó, những người ở dưới địa đạo đã dùng xà phòng của Mỹ đặt ở cửa hầm và cửa thông gió nên chó nghiệp vụ không thể phát hiện ra.

Địa đạo Củ Chi ngày nay

Ngày nay, địa đạo Củ Chi còn khoảng 120 km được bảo vệ và nằm trong Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi hiện nay được Công ty Minh Thành (trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hồ Chí Minh) quản lý trực tiếp.

Khu di tích gồm có hệ thống địa đạo (Bến Dược, Bến Đình), đền Bến Dược, khu quản trị, khu dịch vụ, khu vực tái hiện vùng giải phóng và vành đai diệt quân Mỹ, khu du lịch sinh thái – giải trí ven sông Sài Gòn.

Địa đạo Củ Chi đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến thăm TP.Hồ Chí Minh.

3 mô hình thu nhỏ tại Bến Dược – Củ Chi

Mô hình Chùa một Cột thu nhỏ

Mô hình Chùa một Cột thu nhỏ tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi nhỏ hơn 0,9 lần so với ngôi chùa chính ở Hà Nội, được khởi công xây dựng vào ngày 24/5/2008, khánh thành ngày 19/12/2009 do Viện Kiến trúc Hà Nội thiết kế, Công ty cổ phần Xây dựng công trình Văn hóa thi công. Toàn bộ kinh phí xây dựng mô hình Chùa Một Cột thu nhỏ do Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh Bình Dương tài trợ

null

Mô hình Ngọ Môn thu nhỏ

Mô hình Ngọ Môn thu nhỏ tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi có tỉ lệ bằng ¼ công trình thật, được khởi công xây dựng vào ngày 24/5/2008, khánh thành ngày 19/12/2009 do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế thiết kế, Công ty cổ phần tu bổ Di tích và Thiết bị Văn hóa Trung ương – Chi nhánh miền Trung thi công. Toàn bộ kinh phí xây dựng mô hình Ngọ Môn thu nhỏ do Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh Đồng Nai và gia đình ông Lê Văn Kiểm – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành tài trợ.

Mô hình Bến Nhà Rồng thu nhỏ

Mô hình Bến Nhà Rồng thu nhỏ tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi có tỉ lệ bằng ¼ công trình thật, được khởi công xây dựng vào ngày 24/5/2008, khánh thành ngày 19/12/2009 do Viện Kiến trúc Hà Nội thiết kế, công ty cổ phần tu bổ Di tích và Thiết bị Văn hóa Trung ương – Chi nhánh miền Nam thi công. Kinh phí xây dựng mô hình Bến Nhà Rồng thu nhỏ từ nguồn vốn ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên trong mô hình Bến Nhà Rồng hiện đang trưng bày các hình ảnh, tư liệu nói về “Tình cảm của Bác Hồ với miền Nam và tình cảm của nhân dân miền Nam với Bác Hồ”